Tết đến cận kề, người người nhà nhà đều đang háo hức, vui mừng và tất bật chuẩn bị cho một cái tết ấm no. đủ đầy. Tuy nhiên, năm 2023 là một năm đầy thách thức và khó khăn đối với người lao động lẫn doanh nghiệp khi mà phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế kéo dài. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đi sâu vào việc nhìn lại những tác động của suy thoái kinh tế năm 2023 và sự ảnh hưởng của nó đến Tết 2024 như thế nào nhé!
Mục lục
Tình hình kinh tế hiện nay
GDP và lạm phát
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO). Theo báo cáo này, ADB đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á năm nay từ 4,6% xuống còn 4,3%, do nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu giảm sút.
Đối với Việt Nam, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay xuống còn 5,2%, thấp hơn so với mức dự báo trước đó là 5,8%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng cho năm 2024 vẫn được giữ ổn định ở mức 6,0%.
Theo ADB, sự phục hồi yếu hơn kỳ vọng của nhu cầu từ bên ngoài tiếp tục làm trở ngại cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và dịch vụ, qua đó làm chậm quá trình hồi phục của thị trường việc làm và tiêu dùng trong nước.
Chính sách tiền tệ cẩn trọng và chủ động, cùng với việc kiểm soát hiệu quả giá cả các mặt hàng như xăng dầu, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sẽ góp phần kiểm soát lạm phát. Dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ được giữ ở mức 3,8% cho năm 2023 và 4,0% cho năm 2024.
Sự tăng trưởng yếu hơn phản ánh tác động tích lũy của việc giảm nhu cầu từ bên ngoài, việc thực hiện ngân sách không hiệu quả, đặc biệt là ở cấp tỉnh, cùng với quá trình hồi phục chậm rãi của thị trường việc làm và tiêu dùng nội địa.
Doanh nghiệp và người lao động
Ngày 29 tháng 9, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM thông báo, từ đầu năm đến tháng 9, thành phố đã tạo công ăn việc làm cho 242.812 người (đạt 80,7% so với kế hoạch đề ra), trong số này có 107.368 vị trí việc làm mới (chiếm 76,69% kế hoạch). So sánh với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng nhẹ 0,24%, và tỷ lệ tạo việc làm mới cũng tăng 0,3%.
Tuy nhiên, số lượng người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lại có xu hướng tăng. Cụ thể, trong năm nay TP.HCM đã nhận được 166.266 đơn xin trợ cấp thất nghiệp và đã chấp nhận cấp trợ cấp cho 112.067 người. So với năm 2022, số người nghỉ việc và yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 10.323 người, tương đương với mức tăng 9,74%.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê về thị trường lao động trong quý III cho biết có hơn 118.000 người lao động đã mất việc làm, tập trung chủ yếu tại TP.HCM và Bình Dương, chiếm hơn một nửa tổng số người thất nghiệp trên cả nước. Nguyên nhân chính là do các địa phương này có nhiều người lao động làm việc trong ngành dệt may và sản xuất.
Cơ quan thống kê đánh giá rằng tình trạng hàng trăm nghìn người lao động phải nghỉ việc, nghỉ không lương hoặc mất việc trong các doanh nghiệp đã diễn ra từ quý IV/2022 và đã giảm dần trong quý này.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người lao động trong các ngành nghề khác vẫn đang chứng kiến một xu hướng ngược lại – sự cắt giảm việc làm tiếp tục diễn ra, và một số người thậm chí đã được nghỉ Tết sớm, điều hiếm hoi xảy ra ngay cả trong thời điểm cuối năm này.
Trong lĩnh vực bán lẻ, một “ông lớn” trong thị trường bán lẻ điện thoại và điện máy là Thế Giới Di Động vừa thông báo đóng cửa một loạt cửa hàng trong quý IV. Chỉ trong vòng một năm, doanh nghiệp này đã cắt giảm tới 11.857 nhân sự. Với việc đóng thêm gần 150 cửa hàng vào tháng 10 và 11, số lượng nhân viên mất việc có thể tiếp tục tăng lên hàng trăm người.
Các ngành bất động sản, dệt may, và sản xuất cũng đang chứng kiến những đợt sa thải hàng loạt. Từ ngày 26/11, Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) đã tạm thời đình chỉ tất cả cán bộ và nhân viên mà không trả lương, với lý do là “cạn tiền”. Tương tự, doanh nghiệp dệt may khác với gần 4.000 nhân sự trước đây, hiện chỉ còn lại 37 người làm việc.
Ngoài ra, gần đây nhất có thể kể đến BAEMIN Việt Nam đã chính thức rút khỏi thị trường sau hơn 4 năm hoạt động. Quyết định rời khỏi Việt Nam được đơn vị này đưa ra là do tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước.
Sự suy thoái kinh tế năm 2023
Yếu tố nào ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam 2023
Tình hình suy thoái kinh tế là một vấn đề đang được chú ý nhất hiện nay, và nó hình thành từ vô vàn yếu tố khác nhau. Trong số những yếu tố này, có hai nguyên nhân cốt lõi mà chúng ta không thể bỏ qua:
Thứ nhất: Ảnh hưởng từ Covid năm 2019 – 2020, khiến cho các doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm, điều này dẫn đến nền kinh tế đi xuống và cần thời gian để phục hồi. Và để phục hồi ngân hàng Trung ương phải hạ lãi suất, tạo điều kiện cho người dân vay, kích thích tiêu dùng, giai đoạn này đã kéo dài thời gian và gây ra lạm phát, giá cả các ngành hàng, dịch vụ đều tăng đột biến.
Thứ hai: Sự mâu thuẫn giữa các nước lớn như: Mỹ, Nga, Trung Quốc.. Đầu năm 2022, thế giới đã chứng kiến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, hay cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, điều này đã khiến giá cả hàng hóa lại tăng lên đột ngột một lần nữa làm cho lạm phát càng tăng cao. Khi lạm phát tăng cao lại khiến các ngân hàng rút tiền về lại bằng cách tăng lãi suất, người dân và doanh nghiệp phải trả lại ngân hàng các khoản vay với lãi suất cao hơn. Trong khi đó, họ không có khả năng chi trả và hậu quả là phải phá sản. Chính việc nhiều doanh nghiệp phá sản khiến cho nền kinh tế bị thu hẹp lại và đó là suy thoái kinh tế, vì ngân hàng Trung Ương phải làm vậy để kiểm soát lạm phát.
Tác động của suy thoái kinh tế Việt Nam 2023
Khủng hoảng tài chính
Doanh nghiệp kinh doanh không tốt dẫn đến phá sản và nhiều người lao động bị mất việc làm. Mặc dù chính phủ đã luôn đưa ra nhiều chính sách kích cầu cho nền kinh tế nhưng tác động của sự suy thoái vẫn làm gia tăng số người bị thất nghiệp. Điều này kéo theo các vấn đề liên quan như chính trị – xã hội và gây tình trạng nợ xấu.
Trong 6 tháng đầu năm, nước ta có tới 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, trung bình 16.700 doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng. Tính tới tháng 11 năm 2023 có 158.000 doanh nghiệp phá sản, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát
Khi sản xuất bị thu hẹp, nguồn cung sụt giảm, lạm phát sẽ tăng cao khiến cho đồng tiền mất giá một cách nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây khủng hoảng kinh tế trong nước mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động xuất – nhập khẩu với nhiều quốc gia khác.
Theo xu hướng khó khăn đã bắt đầu từ cuối năm 2022, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đã trải qua sự giảm sút đáng kể. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu đã giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 316,65 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 164,45 tỷ USD (giảm 12,1%), trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 152,2 tỷ USD (giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước). Điều này đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều năm qua mà Việt Nam trải qua sự suy giảm mạnh trong lưu thông thương mại của mình, vượt xa sự giảm nhẹ hơn quan sát trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, khi xuất khẩu và nhập khẩu chỉ giảm 1,1% và 3% tương ứng.
Mất cân bằng về cung cầu hàng hóa
Doanh nghiệp có xu hướng chỉ đầu tư vào các ngành nghề mang lại lợi nhuận, đủ bù đắp cho các khoảng chi phí đã bỏ ra. Chính vì thế, việc đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm sút. Sản xuất ít nên giá hàng hóa tăng cao trong khi nhu cầu người dùng vẫn rất nhiều.
Theo Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ – CP, 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.
Lãi suất cao
Các khoản nợ xấu gia tăng trong sản xuất và tiêu dùng nên các ngân hàng cần phải bù lãi suất cao để bù đắp rủi ro do nợ xấu mang lại.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2023 của 27 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết, VietTimes đã phát hiện rằng tính đến ngày 30/9/2023, tổng số dư nợ cho vay khách hàng trên thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân) đã đạt 9,23 triệu tỉ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm trước.
Trong số này, tổng số nợ xấu (nợ nhóm 3-5) của các ngân hàng đã đạt 196.754,7 tỉ đồng, tăng 61% so với đầu năm và tăng 14,5% so với cuối quý 2/2023. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng số dư nợ cho vay hiện đang ở mức 2,13%.
So với quý 2/2023, chất lượng tín dụng của các ngân hàng tiếp tục xuống cấp, khi có đến 22/27 trường hợp ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu.
Tết và sự ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế 2023
Cắt giảm chi tiêu cho tết 2024
Do tình hình kinh tế khó khăn hiện tại, nhiều người và doanh nghiệp có dự định cắt giảm đầu tư và chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024, điều này cho thấy có sự suy thoái trong hoạt động thương mại cuối năm do tác động của tình trạng kinh tế khó khăn.
Theo dự báo của ADB trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 9/2023, Việt Nam chỉ đạt tỉ lệ tăng trưởng GDP 3,7% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, đây là con số thấp hơn nhiều so với mức 6,5% ghi nhận trong nửa đầu năm 2022. Trong suốt ba quý đầu năm 2023, đặc biệt là tại TP.Hồ Chí Minh và cả nước, thị trường lao động đã chứng kiến những biến động đáng chú ý khi hàng loạt doanh nghiệp lớn thực hiện cắt giảm nhân sự, dẫn đến tình trạng mất việc làm tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Khi đến cuối năm, nhiều công ty đối mặt với khủng hoảng kinh tế đã thực hiện cắt giảm nhân sự và hủy bỏ các kế hoạch tổ chức các bữa tiệc cuối năm, họ phải “thắt lưng buộc bụng” để tiết kiệm ngân sách dành thưởng Tết cho người lao động. Điều này đã có tác động trực tiếp đến nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, buộc họ phải giảm và hạn chế các khoản chi tiêu.
Ngành du lịch và dịch vụ
Nhiều người chần chừ trong việc đặt vé tết: Vé máy bay cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã sớm được các hãng hàng không mở bán. Hiện tại, các hãng hàng không tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vasco đã tung ra hơn 6 triệu vé cho khách hàng có thể đặt mua thông qua trang web hoặc các kênh khác. Tuy nhiên, giá vé cho mùa Tết vẫn rất cao. Sự tăng giá này không chỉ khiến hàng nghìn công nhân và người lao động phải suy nghĩ kỹ lưỡng khi đặt vé để về quê ăn Tết, mà còn đặt ra thách thức cho nhiều khách du lịch khi lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết.
Theo ghi nhận, giá vé máy bay khứ hồi cho Tết Nguyên đán trên một số chặng bay hiện nay dao động từ 3,7 triệu đến 6 triệu đồng/vé tùy thuộc vào hãng, thời gian bay, và ngày bay (bao gồm thuế và phí). Có những chặng bay đặc biệt đắt đỏ, ví dụ như Hà Nội – Phú Quốc với giá từ 6 triệu đến hơn 8 triệu đồng/vé khứ hồi. Chẳng hạn, chặng bay Hà Nội – Nha Trang của Vietjet Air có giá 4.567.000 đồng; Bamboo Airways: 6.400.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.929.000 đồng. Trong khi đó, chặng bay Hà Nội – Đà Lạt của Vietjet Air có giá 4.416.000 đồng; Bamboo Airways: 5.644.000 đồng và Vietnam Airlines: 6.024.000 đồng.
Vé tàu Tết Nguyên Đán 2024: Giá vé tăng mạnh, chạm mốc gần 3 triệu đồng. Trong một thông báo mới đây, ngành đường sắt đã chính thức công bố giá vé tàu Tết Nguyên Đán 2024. Theo đó, từ ngày 15/10, giá vé tàu cho những chặng hành trình phổ biến, như từ TP HCM đi Hà Nội, đã tăng đáng kể, đạt mức gần 3 triệu đồng. Điều này thể hiện sự tăng hơn 200.000 đồng so với năm trước.
Còn về giá vé xe, bến xe dự báo các tuyến đường sẽ tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết).
Tuy nhiên, về mặt cung ứng hàng hóa được đánh giá là có tính ổn định. Cụ thể, trong tháng 11, hoạt động thương mại dịch vụ đã trở nên sôi động hơn để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào đón năm mới 2024. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm như lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa, giáo dục và các dịch vụ liên quan như lưu trú, ẩm thực, du lịch duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
Thúc đẩy thị trường và khả năng cạnh tranh
Với kỳ vọng sức mua vẫn tăng, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời tung ra những chiến lược, sản phẩm từ sớm nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày tết cho người tiêu dùng, giúp tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau.
Điển hình như Công ty Bánh mứt kẹo Bảo Minh đã xây dựng kế hoạch sản xuất hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm cao điểm vào cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bà Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc của công ty, cho biết ngoài các sản phẩm truyền thống như bánh kẹo và mứt Tết, trong năm nay, doanh nghiệp đã giới thiệu nhiều sản phẩm mới như bánh cookies và bánh cracker. Đây là các loại sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt vào các dịp lễ và Tết, nhằm bù đắp cho sự giảm sút trong việc mua các mặt hàng truyền thống.
Theo đại diện của công ty Bảo Minh, “Nếu thường năm, chúng tôi cần sử dụng hàng chục tấn nguyên liệu để sản xuất mứt Tết, thì trong năm nay chúng tôi đã phải giảm đi 40% lượng nguyên liệu đó. Để bù đắp, chúng tôi đã tăng cường sản xuất các loại bánh mới đang được ưa chuộng.”
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc miền Bắc của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đại diện cho các hệ thống phân phối lớn, cho biết việc chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết đã diễn ra từ tháng 7 thông qua việc đặt hàng và hợp tác với các nhà sản xuất và nhà cung cấp lớn. Tổng giá trị tồn kho của họ đã lên tới 10.000 tỷ đồng, tăng 20-30% so với cùng kỳ, và đã được phân chia đều cho chín nhóm thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, bột ngọt, bánh mứt kẹo…
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và người dân đang tiết chặt chi tiêu, Saigon Co.op đã và đang tổ chức nhiều chương trình mua sắm trực tuyến với các hoạt động đa dạng và ưu đãi hấp dẫn. Trong khoảng thời gian từ bây giờ đến Tết Nguyên đán, trên trang web Co.oponline (https://cooponline.vn/) và ứng dụng Saigon Co.op trên các thiết bị di động, người dùng có thể tham gia vào các trò chơi nhỏ để săn E-voucher giảm giá lên đến 200.000 đồng, tham gia giải trí và xem các video hướng dẫn nấu ăn, cũng như theo dõi các buổi trực tiếp để săn hơn 5.000 ưu đãi mua sắm Tết tiết kiệm.
Sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế năm 2023 là rất lớn đối với cuộc sống và hoạt động kinh doanh của nhiều người, nhiều doanh nghiệp. Việc hiểu rõ về tình hình kinh tế hiện tại và tác động của nó là một phần quan trọng để chuẩn bị cho Tết sắp đến và đối mặt với những thách thức trong năm 2024. Tin rằng với sự đoàn kết và kiên cường của người dân Việt Nam sẽ giúp chúng ta vượt qua được giai đoạn khó khăn này.